FED là gì, tăng, giảm đóng băng lãi suất ...

FED là gì, tăng, giảm đóng băng lãi suất là thế nào

Oct 13, 2023

FED VÀ TRÒ CHƠI ALM: LUẬT CHƠI MỚI, TAY CHƠI MỚI

1.

1.1 Một số quy luật trước 2008 tại Fed:

a. Chức năng cơ bản của một Ngân hàng Trung ương - NHTW: là Ngân hàng của Chính phủ; điều chỉnh lượng tiền trong lưu thông để quản lý lạm phát, lãi suất, tỷ giá phục vụ thúc đẩy tăng trưởng và duy trì công ăn việc làm; đảm bảo ổn định hệ thống tiền tệ nhằm giữ vững chủ quyền kinh tế, bao gồm chủ quyền tiền tệ.

NHTW thực hiện các chức năng ấy bằng các công cụ tiền tệ thông qua kênh dẫn suất chính sách là hệ thống Ngân hàng thương mại - NHTM.

Tức khách hàng của NHTW chỉ là các tổ chức huy động tiền gửi chủ yếu là NHTM, và Chính phủ.

b. NHTW phát hành tiền. NHTM huy động và dùng tiền huy động để cho vay mua sắm. Bên bán nhận tiền lại gửi vào NHTM. Cứ thế nhiều lần làm tăng tiền trong lưu thông… tạo hiệu ứng nhân tiền của NHTM. Từ nguồn tiền huy động NHTM phải gửi tại NHTW một tỷ lệ @ nhất định gọi là Dự trữ bắt buộc (DTBB). Mục đích để đảm bảo thanh khoản, đồng thời để kiểm soát tiền trong lưu thông không tăng vô tội vạ gây lạm phát.

Để kích thích tăng trưởng NHTW tăng tiền trong lưu thông tăng Cung, giảm lãi suất tăng Cầu, gọi là chính sách tiền tệ nới lỏng.

Để chống lạm phát NHTW giảm tiền trong lưu thông giảm Cung, tăng lãi suất giảm Cầu, gọi là chính sách tiền tệ thắt chặt.

Chống lạm phát luôn là ngắn hạn: các NHTW hiện đại sẵn sàng điều chỉnh giảm tiền trong lưu thông, tăng lãi suất ngắn hạn rất gắt chống lạm phát. Tăng trưởng luôn là mục tiêu dài hạn: kể cả trong bão lạm phát NHTW Mỹ - Fed - luôn canh chừng để lãi suất dài hạn không tăng cao vì nó thể hiện niềm tin vào đồng bản tệ phục vụ đầu tư dài hạn. Lãi suất dài hạn mới quan trọng chiến lược, ngắn hạn là công cụ chính sách chiến thuật.

Định lượng cân bằng lượng tiền Cung - Cầu trong lưu thông tương ứng với lãi suất nào không đơn giản. Do vậy các NHTW thường làm kiểu “dò đá qua sông”: điều chỉnh lãi suất cùng với tăng giảm tiền lưu thông cà nhắc cà nhót từng bước nhỏ, dùng bàn tay thị trường tìm điểm cân bằng Cung - Cầu bên cạnh việc đo lường lắng nghe tín hiệu của lạm phát, tín hiệu chứ không chỉ số lạm phát, do độ trễ của công cụ chính sách. Làm như vậy để tránh điều hành giật cục như điên, tránh bóp méo mó cung cầu phá hỏng kỷ luật thị trường, tránh hình thức xa rời chính sách với thực tế. NHTW quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, coi NHTM thành viên thị trường là chung thuyền, không coi là đối tượng và duy trì tính kỷ luật thị trường cao.

Thời kỳ đầu để tăng/giảm tiền trong lưu thông các NHTW điều chỉnh giảm/tăng tỷ lệ DTBB @. Hiện ít NHTW chỉ dùng công cụ này vì nặng tính hành chính.

Để tác dụng nhạy hơn Fed kết hợp công cụ bơm hút tiền qua Thị trường Mở (Open Market Operations- OMO) tăng/giảm nguồn cung tiền nhằm dùng Cung để lái Fed Funds, là lãi suất NHTM vay nhau qua đêm bổ sung DTBB, về lãi suất mục tiêu (LSMT) Target Point (thiết lập bởi Federal Open Market Committee FOMC- Uỷ Ban Thị trường Mở Liên bang thuộc Fed) và qua đó dùng Cung - Cầu, Rủi ro và bàn tay thị trường điều chỉnh Fed Fund về điểm mục tiêu để thiết lập lãi suất thị trường tín dụng.

c. Dự trữ tiền mặt hay gửi ở NHTW rủi ro bằng 0 nhưng lãi suất, vì vậy, cũng gần bằng 0 nên các NHTM thường chỉ duy trì ở mức thấp vì không hiệu quả. NHTW còn ép NHTM phải tuân thủ các mức dự trữ tối thiểu để không gây mất thanh khoản.

d. Bản thân NHTW thường không tạo hiệu ứng nhân tiền hoặc trực tiếp tạo hiệu ứng này rất nhỏ và ngắn hạn khi thực thi vai trò người cho vay cuối cùng để giữ ổn định thị trường.

e. Và vì thế quy mô Tài sản của các NHTW thường bám sát quy mô tiền phát hành (là chính) cộng với DTBB của các NHTM (nhỏ).

f. Thông thường Tổng huy động tương đương Tổng cho vay tại hệ thống NHTM.

Đó là những quy luật thông thường ở Fed trước 2008.

1.2 Sau 2008 Fed tập trung sử dụng thêm công cụ RRPs và IORB trên OMO khi được Quốc hội cho phép trả lãi tiền gửi tại Fed:

a. RRPs (Reverse Repurchase Agreement): Fed New York nhân danh FOMC bán chứng khoán cho NHTM và các định chế tài chính khác bao gồm các Quỹ tiền tệ (MMFs) với thỏa thuận mua lại chứng khoán đó ở một mức giá cụ thể tại một thời điểm cụ thể trong tương lai. Sự khác biệt giữa giá bán và giá mua lại là mức lãi suất mà Fed trả cho giao dịch.

b. IORB (Interest On Reserve Balances): Fed trả lãi cho số tiền NHTM gửi tại Fed.

c. Cả hai loại lãi suất đều nhắm đến LSMT bây giờ là một khoảng chứ không là một số cố định. Tác động cung cầu nhanh, định lượng rõ.

Fed tư duy thật mở, thật quyền biến và thật quái!

1.3 Fed không hẳn là ngân hàng cổ phần tư nhân thông thường như nhiều người hay nói. Cũng không hẳn cơ quan nhà nước. Nó lưỡng tính. Ấy là do cấu trúc sở hữu và vai trò rất hay của Fed.

Fed là Ngân hàng phục vụ Chính phủ hoạt động không vì lợi nhuận theo nghĩa làm ra bao nhiêu nộp cho Chính phủ là chính. Mạng lưới vận hành của Fed là 12 Ngân hàng vùng. Mỗi ngân hàng vùng ở vùng nào được sở hữu bởi các NHTM thành viên toạ lạc trong vùng đó thông qua nắm giữ một số cổ phần giống cổ phần ưu đãi cổ tức cố định cộng dồn 6%/năm, như phần thưởng cho việc là một phần bộ máy vận hành thực thi chính sách, không quyền biểu quyết tại Fed, giống ký quỹ thành viên (franchise tax) hơn là cổ phần.

Nhân sự bộ máy quản trị điều hành cao nhất của Fed (Board of Governors) do Tổng thống đề xuất, Hạ Viện phê chuẩn nhiệm kỳ 14 năm để tránh sức ép nhiệm kỳ. Mục tiêu chính sách, ngân sách hoạt động, cơ chế pháp lý vận hành do Hạ Viện quyết định và giám sát. Nhưng Fed ra quyết định mọi chính sách tiền tệ một cách độc lập, có hiệu lực ngay, không cần Quốc hội hay Tổng thống phê chuẩn.

Fed tự quyết định nguồn thu (từ chúng khoán, chủ yếu trái phiếu, và dịch vụ) để bù chi, không dùng tiền ngân sách. Chi phí vận hành Fed năm 2023 khoảng $5,5 tỷ và nguồn lợi khá khủng (H.1). Tuy nhiên cổ đông Fed không được hưởng lợi hết: nguồn thu về, sau khi trừ chi phí vận hành, trả cổ tức 6%/vốn góp theo par cho các NHTM thành viên, còn lại sẽ dành 10% cho Quỹ bổ sung vốn chủ sở hữu (đến khi Quỹ đạt 100% vốn này) và nộp 90% còn lại cho Bộ Tài chính.

Tóm lại Fed là một thực thể hoạt động độc lập bên trong Chính quyền Mỹ, chịu giám sát của Quốc hội, sứ mệnh duy trì vận hành sức mạnh Tài chính Mỹ.

2.

Điều gì diễn ra sau Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu (GFC) 2008?

Chính quyền Mỹ và Fed bắt đầu“thời đại tiền tệ dễ dãi” [1] từ những năm 80-90s thế kỷ trước để “bơm doping cho tăng trưởng”. (Các links: ở Comment).

Cơn nhồi máu Sub-Prime Mortgage Loans gây GFC 2008, tiếp theo là đột quỵ Covid 2019 thúc cỗ máy in và nhân tiền của Mỹ chạy hết công suất để bơm oxy-tiền cứu thanh khoản, giữ ổn định thị trường tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ với tên gọi mỹ miều: Nới lỏng định lượng (Quantitative Easing- QE).

Fed phát hảnh tiền ào ạt theo nghĩa đen làm tỷ lệ (Tổng tiền phát hành trong lưu hành/Nominal GDP) tăng từ 5% lên 10% giai đoạn 2005 - 2023, M2/GDP cũng tăng chóng mặt (H.2).

Nhưng điều ấy không đủ “dose” cho thị trường đã thành “con nghiện” tiền rẻ dễ dãi.

Đúng lúc ấy Fed và các NHTW siết yêu cầu rủi ro với các NHTM vì đổ cho đám này là tội đồ GFC. Xuất hiện Basel 2 rồi Basel 3… đòi hỏi vốn Equity tăng cao, dự phòng lớn và thanh khoản mạnh. Tốt thôi… nhưng dẫn đến hiệu quả giảm. Các NHTM không máu lửa huy động để cho vay và đầu tư rộng vào nền kinh tế nữa: không muốn thành dê tế thần, rủi ro cao đòi hỏi vốn chủ sở hữu tăng nên ROE giảm và đẩy không ít khách hàng từ NHTM sang các quỹ tiền tệ. Không biết đó có phải mục tiêu của Fed!

Phải nói thêm rằng NHTM là nghề kinh doanh rủi ro. “Thu nhập kỳ vọng cao thì chấp nhận rủi ro cao và ngược lại” là nguyên tắc cơ bản, là đúng, gặp rủi to mất tiền không phải tội mà là chi phí hiển nhiên phải có. Việc các NHTM hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro cao đã đẩy các lĩnh vực, khách hàng này (SMEs, tiêu dùng, ngành mới, nghề gặp khó khăn, vị trí không thuận lợi…) ra khỏi nguồn vốn dồi dào của những nhà cho vay chuyên nghiệp với cách ứng xử chuyên nghiệp và dịch chuyển dòng vốn sang cho giới nhà giàu và thị trường tài chính.

Trái phiếu Doanh nghiệp chất lượng kém, các khoản cho vay trực tiếp P2P các loại quy mô bùng nổ vì thế.

Các công cụ DTBB và bơm hút tiền qua OMO vốn chậm. Nay trói tay NHTM là thu hẹp kênh dẫn xuất nên tác dụng của công cụ chính sách tiền tệ ấy càng chậm. Một phần bởi chính các NHTM cũng là nạn nhân của khủng hoảng nên co cụm và tê liệt.

Khủng hoảng tài chính luôn kèm theo khủng hoảng thanh khoản. Thị trường Tài chính - Tiền tệ thiếu thanh khoản tê liệt như bệnh nhân suy hô hấp thiếu máy thở bơm oxy không động chân động tay được. Đe dọa làm ngộp thở cả nền kinh tế sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng.

Trong khủng hoảng chậm là chết!

FED cấp tốc can thiệp hà hơi tiếp sức thị trường bằng cách đẩy mạnh các giao dịch IORBs, RRPs cho các định chế tài chính và doanh nghiệp mục tiêu có vai trò trọng yếu trong nền kinh tế - các NHTM lớn, NHĐT, Bảo hiểm, nghành ô tô, thị trường nhà ở - đồng thời trực tiếp mua chứng khoán nâng cung cứu TTCK.

Các công cụ này hiệu quả nhanh, tác động thanh khoản lãi suất tức thời, tuy nhiên các hiệu ứng phụ khá gắt.

Quan trọng là xuất hiện các hiện tượng, xu thế khác về căn bản:

a. Fed trực tiếp mua bán chứng khoán can thiệp thị trường “không giới hạn” đã phá vỡ trật tự thị trường nêu tại 1.1 a..

b. Fed thực hiện RRPs và IORBs quy mô lớn can thiệp Thị trường tiền tệ thế nào?

Giao dịch RRPs và IORBs giúp Fed có nguồn để mua các tài sản rủi ro cao hơn TPKB (MBS, ABS), giảm gánh nặng cho NHTM, bơm thanh khoản thị trường.

Để duy trì lãi suất thị trường ở mức mục tiêu, Fed thực hiện trả lãi suất giao dịch RRPs và trả IORBs ở mức LSMT ấy để đạt mục tiêu chính sách - hiện nay là khoảng 5,25-5,5% (H.3).

Khi lãi suất thị trường cao hơn LSMT, Fed thực hiện Repos bơm tiền ra thị trường hạ lãi suất xuống ở mức LSMT.

Nếu lãi suất thấp hơn LSMT, Fed thực hiện RRPs và IORBs hút tiền về nâng lãi suất lên ở mức LSMT.

Fed vừa trực tiếp mua chứng khoán can thiệp thị trường “không giới hạn”, vừa trực tiếp điều chỉnh bơm hút tiền trong lưu thông, vừa trực tiếp xác lập lãi suất hình thành LSMT chứ không qua Thị trường Mở điều chỉnh lượng tiền trong lưu thông cân bằng Cung Cầu gián tiếp tạo lập lãi suất như trước đấy.

Bàn tay vô hình của thị trường được Fed “cầm tay chỉ việc”.

Quy luật 1.b. bị phá bỏ phần nào.

c. Phát sinh tình trạng không bình thường: Chương trình RRPs và IORBs khuyến khích các NHTM và các Quỹ Tiền tệ (MMFs) - do các chính sách rủi ro đòi hỏi vốn tự có hà khắc - thay tài sản rủi ro bằng tiền gửi tại Fed (rủi ro =0) hưởng lãi suất hiệu quả hơn là cho vay ra đối tượng rủi ro cao hơn do ROE tính theo Risk Adjusted tốt hơn, bất kể đó là khi chính sách tiền tệ Nới lỏng hay Thắt chặt.

RRPs và IORBs rất ngon với các NHTM vì gửi Fed có lãi, rủi ro thấp, lợi nhuận ổn.

Nhưng không ngon lắm với Fed… vì Fed nhận tiền gửi phải trả lãi, lãi cao.

Tuy vậy Fed không ngán vì Fed không kinh doanh: Fed nuôi dưỡng thị trường. Lỗ, nếu có, là chi phí cho việc nuôi dưỡng ấy. Nuôi cái gì, con gì mà chả tốn kém!

NHTM vui vì rủi ro thấp, lãi ngon. Fed cũng vui vì đạt được mục tiêu chính sách. FBI không bắt ai vì tội ăn lãi hay làm thất thoát Fed. Không ăn còn bị bảo ngu! Mà Fed có phải nhà nước đâu. Tiền Fed không phải là tài sản của nhà nước TBCN!

Các khoản RRPs và IORBs bùng nổ. Các định chế gửi tiền vào Fed ào ạt.

Quy luật 1.c không còn.

d. Nhờ RRPs và IORBs Fed có nguồn dùng mua tài sản tài chính (bao gồm TPKB, các gói tín dụng Thế chấp mua nhà hay thẻ tín dụng được chứng khoán hoá) kể cả mua trực tiếp cổ phần của chính các doanh nghiệp mục tiêu hay qua ETF hay chứng chỉ Quỹ để can thiệp thanh khoản thị trường. Các NHTM, Quỹ MMFs có tiền về lại mua RRPs hay gửi cho Fed nhận IORBs. Fed lại mua tài sản tài chính… cứ thế.

Cái “thú vị” ở đây là số vòng quay ấy tăng rất nhanh đẩy quy mô của cả NHTM lẫn Fed lên cao đột biến mà không phải in tiền và Fed thì không phải nộp DTBB.

Dù còn tranh cãi nhưng theo quan điểm cá nhân tôi RRPs và IORBs bản chất là một kiểu “Bán phát hành - Quasi printing” có kỳ hạn tiền ra thị trường như NHTM tạo hiệu ứng nhân tiền. Fed lý luận các hợp đồng RRPs và IORBs có kỳ hạn nên không phải là phát hành tiền và không cần xin phép. Tuy nhiên nếu duy trì liên tục thì chả khác gì phát hành lâu dài. Trên thực tế quy mô RRPs và IORBs tăng rất mạnh và giảm rất chậm.

Fed biết rõ: trói NHTM làm chậm dẫn xuất chính sách. Làm như thế Fed có tự trói tay trói chân mình? Giờ đã hiểu: Fed muốn thế. Fed muốn giảm thế lực, hạn chế tầm ảnh hưởng bởi tính đòn bẩy trong kinh doanh ALM của hệ thống NHTM phân tán khó kiểm soát.

Fed quyết định tự mình trực tiếp thực hiện trò chơi đầu cơ ALM đầy quyền biến với Bảng TKTS của mình.

Chưa thấy ai phân tích điều này khi nhận xét Fed.

Fed như NHTM của các NHTM và mô hình Ponzi vậy. Fed khác NHTM chỗ là nhà cái, in tiền, tạo luật.

Vụ ALM mới là hay. Trò chơi ALM mới là thú! [3]

Đầu cơ ALM rủi ro, mất cân bằng, sai là vỡ. Vậy vì sao mà Chủ tịch Fed tỉnh bơ khi đối mặt với các câu hỏi làm đau đầu các CEO NHTM:

- Có nguồn thu và hạch toán lãi lỗ, phải trả cổ tức cố định 6%. Nguồn đâu trả lãi huy động, bù chi phí, chi cổ tức? Có sợ lỗ không? Cần hiệu quả thế nào?

- Mark To Market - đánh giá lại - danh mục đầu tư: cần không? Nếu khoản đầu tư rủi ro, cụ thể là rủi ro thị trường, thì sao?

- Để duy trì dòng tiền và khả năng thanh toán Fed cần tuân thủ chỉ số rủi ro, nhất là rủi ro thanh khoản, nào? Bởi chỉ một động thái giảm nhẹ nguồn là gây mất thanh khoản, điển hình là Repo Crisis năm 2019 [2], thời mới bắt đầu trò chơi ALM.

Fed trả lời: Chả sợ lỗ không cần hiệu quả (09/2022 Fed bị lỗ nhưng Chủ tịch Fed Powel nói toẹt: “Lỗ chả sao và không ảnh hưởng chính sách. Chỉ bị vấn đề truyền thông tý thôi!” -Reuteurs), không cần Mark To Market vì Fed nắm giữ chứng khoán lâu dài và khỏi lo quản lý rủi ro ALM lẫn thanh khoản.

Vì sao tự tin thế? Đúng rồi: Bí quá thì in tiền ra mà xử. Của nhà làm được vì quyền” in” - phát hành - tiền trong tay Fed! Tiền vô tận luôn luôn thắng là nguyên tắc của thị trường. NHTM hay quốc gia khác thì không sướng như vậy, mất khả năng thanh toán thì tèo.

Fed phát hành, nhân tiền và các NHTM nhân thêm lần nữa rồi lại đi theo cửa RRPs và IORBs quay về Fed. Bảng TKTS Fed tăng dựng đứng sau 2008: Fed cũng tạo hệ số nhân tiền từ phát hành như các NHTM (H.4). Khi 1.c bị phá thì chuyện đó dễ hiểu.

Nó phá vỡ quy luật 1.d.

e. Bảng CĐKT cùa Fed khá đơn giản (Google đầy) bao gồm:

*Nguồn (Liabilities) : a. Tiền phát hành (in tiền); b. Reverse Repos -RRPs; c. Tiền gửi của NHTM (bao gồm DTBB); d. Tiền gửi của Chính phủ; và e. Vốn được cấp.

*Tài sản chủ yếu gồm: a. Chứng khoán - Trái phiếu Kho bạc (TPKB); b. Repos -RPs; c. Vàng và ngoại hối; d. Chứng khoán không do cơ quan chính phủ phát hành; e. Forex SWAP (các cam kết hoán đổi ngoại tệ với NHTW các nước khác để đảm bảo thanh khoản USD ngoài nước Mỹ) f. Cho vay và khác;

Nhưng biến động của nó theo thời gian không đơn giản: hãy nhìn kỹ lại (H.4).

Các đường Tài sản là gạch đứt, Nguồn là gạch liền.

Trước GFC 2008: quy luật 1.e được tuân thủ. Nguồn chủ yếu là phát hành. Tài sản chủ yếu là TPKB. Quy mô tài sản tương đương tiền phát hành.

Sau 2008 Fed đẩy in tiền và nguồn vốn đặc biệt tăng mạnh nhờ Tiền gửi từ các NHTM, MMFs. Fed đồng thời đầu tư mạnh không chỉ vào TPKB mà cả các chứng khoán khác như MBS (chứng khoán hoá các khoản nợ mua nhà).

Đặc biệt sau 2020 chống Covid nguồn từ RRPs tăng vọt. Fed dùng nguồn ấy đầu tư cả TPKB và MBS, quy mô tăng dựng đứng.

Tài sản Fed cũng tăng vọt theo. Giai đoạn sau 2020 RRPs là động lực chính bơm quy mô Tài sản của Fed.

Tiền gửi của NHTM và RRPs tại Fed trở thành nguồn chính của Fed khi thực hiện các chương trình nới lỏng kích cầu, như “Máy bơm tiền” cho hệ thống. Nguồn tiền phát hành trở nên nhỏ bé.

“Máy bơm tiền” như bóng thở hà hơi tiếp sức tiền cho hệ thống tài chính tiền tệ bị suy hô hấp tại nước Mỹ và nơi đồng USD có ảnh hưởng, tức toàn cầu. “Máy bơm tiền” bơm hút rất nhanh mà không cần thông qua các quy trình dài dòng văn tự.

Bong bóng tiền thổi tài sản của Fed gấp 4,5 lần vượt xa lượng tiền phát hành.

Quy luật 1.e bị vỡ.

f. Fed giải thích: mục tiêu làm vậy là bơm tiền ra thị trường cứu thanh khoản và tăng cung tiền cho nền kinh tế.

Tiền có thực cung cho nền kinh tế không? Vào đâu?

Hãy nhìn (H.5).

Cho đến 2008 quy luật 1.f tuân thủ: tiền NHTM huy động bao nhiêu cơ bản đi vào tín dụng hết.

Nhưng sau đó thì khác. Từ 2008 số dư tín dụng bắt đầu thụt lùi, tăng chậm hơn hẳn huy động do tiền bơm ra quá nhanh. Từ 2020 thì khoảng cách tăng gấp nhiều lần và chỉ có dấu hiệu giảm khi lạm phát quá cao phải thắt chặt tiền tệ. Các vùng gạch phía trên, là sự khác biệt với quy luật 1.f, khoảng cách giữa Huy động - Cho vay phình ra như quả “Bong bóng”, ấy là do Máy bơm tiền của Fed thổi nên.

Tiền Fed bơm ra chỉ một phần nhỏ giải ngân cho vay, phần lớn hơn đầu tư vào chứng khoán các loại (TPKB, MBS v.v.), số lượng lớn hơn nữa được đầu tư vào… tiền và tương đương tiền, dịch Nôm là gửi vào Fed hưởng lãi thông qua IORBs và RRPs nói trên. Sự tương đồng rất rõ (vùng gạch phía dưới là sự khác biệt quy luật 1.c).

Mục tiêu đẹp đẽ “tiền để bơm vào nền kinh tế” đã không đạt được theo nghĩa đen: Tín dụng tăng trưởng không hề cao hơn trước đó. Nhìn thấy rõ ở (H.5).

Tác động cứu thanh khoản cho hệ thống đã đạt. Nhưng sau tiền bị ứ lại thành “Bong bóng tiền” trong hệ thống Tài chính giữa NHTM và Fed chứ không chảy vào nền kinh tế sản xuất dịch vụ. Tín dụng không tiếp nhận kịp số tiền bơm ra.

Và như vậy dòng tiền khổng lồ từ Nới lỏng định lượng được “Máy bơm tiền” bơm ra cho Doanh nghiệp và người dân chả bao nhiêu mà vẫn chỉ loanh quanh giữa các nhà kinh doanh tài chính định chế, đại công ty, Fed và thị trường tài chính tạo “Bong bóng tiền” ở trên.

Đó chính là lý do dù Covid chứng khoán vẫn lên giá ầm ầm và các tỷ phú vẫn nhân nhiều lần tài sản. Còn dân chết dẫm thì vẫn hoàn chết dẫm.

Mà hình như toàn cầu đâu cũng vậy hay sao ấy!

Quy luật 1.f bị phá bỏ.

PS. Tuy nhiên việc tạo bong bóng tiền trong thời đại tiền tệ dễ dãi bơm ào ạt có cái hay của nó: cho nhóm rủi ro vay nhanh và bừa bãi thì còn chết nữa. Nếu không có mưu gì khác dần dần bóng sẽ xẹp lại nhờ thẩm thấu tiền ra nền kinh tế cơ sở kèm với chính sách tiền tệ thắt chặt chống lạm phát. Đó cũng là đặc tính rất mạnh của hệ thống ngân hàng Mỹ: tự kỷ luật và tự tuân thủ, tự quyết định tự chịu trách nhiệm và không chịu tác động theo “ý chí chính trị” của bất kỳ đảng phái hay cá nhân nào, kể cả Tổng thống. Trừ phi xâm phạm quyền lực, giá trị và lợi ích cốt lõi… của nước Mỹ.

3.

Liên quan gì đến ta?

a. Cùng với sự phát triển của công nghệ, GFC 2008 và Covid 2019 đã tạo cớ để các Chính phủ được thò bàn tay lông lá can thiệp thô bạo sâu vào thị trường và cuộc sống cá nhân mỗi con người. Không chỉ Chính quyền Mỹ, không chỉ Fed, thực hiện các chương trình can thiệp quy mô khác nhau, lĩnh vực khác nhau… giống nhau ở chỗ trong điều kiện không khủng hoảng khó ai làm được.

GFC 2008: NHTM bị chỉ mặt gọi tên là tội đồ, dường như chính sách tiền tệ dễ dãi của Fed hàng chục năm không liên quan! Phải tròng kim cô Basel 2,3 chặt hơn lên đầu NHTM! Phải trói tay chân chúng lại.

Vừa đẹp sau đó 2019 Covid đến tạo cơ hội Fed tích lũy bóng tiền to hơn bắt đầu trò chơi ALM đầy quyền biến dưới chiêu hà hơi tiếp sức thanh khoản cứu thị trường không chỉ cho nước Mỹ. Quy mô sử dụng Forex Swap (FS) Fed cấp vốn cho các NHTW thân hữu tăng kinh hoàng vào những ngày khủng hoảng (H.6). Không có bóng tiền Fed sao đủ nguồn cấp hạn mức FS dữ vậy! NHTW nào xin được hạn mức FS của Fed cũng mừng hết lớn cám ơn đối rít: không có nó làm sao đủ thanh khoản sống sót qua khủng hoảng.

Nhờ khủng hoảng mà tội đồ được đám đông nạn nhân vỗ tay tung hô khản cả giọng, khóc tạ ơn cạn hết cả nước mắt và cười hoan hỉ vỡ cả mặt.

Lái truyền thông quá xuất sắc!.

Haizzz… hay dở con cháu chịu, biết đâu chúng thích làm zombie hơn con khỉ hoang dã!

b. Quản lý khủng hoảng đỉnh cao không phải không để xảy ra mà tạo ra nó, kiểm soát nó và hưởng lợi! Bản chất ALM là thế. Mấu chốt là kiểm soát được.

Nước Mỹ, động cơ tăng trưởng và trụ cột trật tự thế giới bao gồm trật tự tài chính tiền tệ, đang cung cấp nguồn oxy USD cho tăng trưởng không chỉ ở nước Mỹ mà toàn cầu. Sự thay đổi về cấu trúc Bảng TKTS và công cụ của Fed tạo trò ALM ngay từ đầu đã gợi cảm giác bất an. Như chơi với Trùm giang hồ: Trùm thương thì hưởng lợi hưởng an nhưng lỡ làm Trùm giận thì tèo rất lẹ!

Với các nền kinh tế, tiền tệ đang nghiện oxy USD… khủng hoảng là chuyện chủ quyền: bóng tiền co bóp theo nhu cầu nền kinh tế Mỹ, ý chí chính phủ Mỹ.

Dù máy thở của Fed chờ sẵn để cấp oxy cho toàn cầu khi khủng hoảng, điều quan ngại là Fed muốn tạo một cuộc khủng hoảng lúc nào được lúc ấy.

NHTM chơi trò ALM trên nền khách hàng của mình là cá nhân và doanh nghiệp. Khách hàng tèo là NHTM đi.

Fed chơi trò ALM trên nền khách hàng là các NHTW, NHTM và chính phủ Mỹ.

Nếu khủng hoảng xảy ra, nhờ nền kinh tế bền vững: Hệ thống NHTM Mỹ chắc cũng bị vấn đề nhưng là CCCCC nên cũng sẽ qua. Fed vẫn khoẻ bởi Fed là nhà cái: in được tiền. Nên kinh tế Mỹ sẽ ổn.

“Máy bơm”, “Bóng tiền” của mình, Fed muốn chỉnh bơm dòng vốn cứu ai chả được.

Điều chỉnh nhẹ quy mô Bảng TKTS Fed tức thì kích hoạt bóng tiền hút hay bơm và lập tức tác động lên thanh khoản USD gây hiệu ứng hút/đẩy USD từ/vào các nền kinh tế khác cực nhanh. Thanh khoản tác động ngay lên lãi suất VÀ tỷ giá, hai điểm cốt lõi của chính sách tiền tệ các quốc gia, như hai mặt bàn tay và tác động qua lại. Nói cái này bỏ cái kia là không hiểu gì về công cụ tiền tệ cả. Tức chủ quyền tiền tệ khi ấy chỉ là ảo giác.

Đến giờ đã có thể đánh giá được: Quả Bóng tiền lợi hại của Fed với ai đó là phao cứu ngộp, với ai khác dao kề cổ… tuỳ nơi lúc tuỳ người.

Trò ALM của Fed lợi hại như năng lượng nguyên tủ!

c. Kết luận dễ thấy nhất là: vào lúc này may cho nền kinh tế đồng pha với kinh tế Mỹ và rất không may cho ai lệch pha với nó hay với trật tự và cách vận hành kinh tế vĩ mô hiện hữu của Mỹ, nhất là các nền kinh tế nhỏ và doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp nên cân nhắc nhận xét này. Hệ thống tiền tệ Mỹ với đồng USD đang là 1 trong 6 trụ cột của trật tự thế giới hiện nay (theo tôi) nên USD sổ mũi cả thế giới hắt hơi. Do vậy đánh giá tình hình tiền tệ và vận hành kế hoạch kinh doanh bất chấp sức khỏe và hành vi đồng USD là ấu trĩ.

Việc neo hay tập trung dự trữ hay sử dụng quá phụ thuộc đồng USD là một cách mất chủ quyền tiền tệ. Con bệnh đang gắn với máy thở oxy thì nói gì về tự chủ!

Nói vậy không phải phản đối hay ủng hộ sử dụng USD vào các mục đích trên mà chỉ nêu thực tế hiển hiện: Trong bối cảnh hôm nay việc neo là khó tránh, loại bỏ đồng USD trong thanh toán và dự trữ là không thể. Rất nhiều nền kinh tế đang thở bằng máy thở của Fed và bong bóng tiền ngân hàng Mỹ. Cai máy thở không đơn giản đâu!

Nhưng neo cứng bám chặt hay quyền biến chuyển lực là nghệ thuật của người quản lý tiền tệ.

Điều đó giải thích vì sao xuất hiện ngày càng nhiều chương trình tạo đối trọng với đồng USD, nhất là sau vụ Nga đánh Ucraina và cách Mỹ EU sử dụng vũ khí tiền tệ đóng băng luân chuyển vốn và vũ khí thương mại cắt chuỗi cung ứng. NHTW các quốc gia lớn đang ngọ nguậy thấy rõ. Dù chưa kết quả đáng kể.

d. Ở [6] tôi nhắc đến Israel và chờ tin từ Hongkong. Lòng người khó dự báo xung đột Palestine-Israel bùng nổ phá nát các thỏa thuận hòa bình SA-Israel tưởng trong tầm tay. Là 1 game “ALM địa chính trị” với kẻ hưởng lợi hiện chưa ai gọi tên. Một diễn biến cần xảy ra. Không hề là tình cờ bên cạnh trò ALM tiền tệ.

Học thuyết “Cân bằng chiến lược” là một “ALM địa chính trị”. Mất cân bằng là cơ hội thiết lập cân bằng mới. Quan ngại là các kho vũ khí hạt nhân hủy diệt. Cái giá khi chúng phát nổ là phá hủy thế giới hay ít ra hàng chục năm phát triển của loài người.

e. Bong bóng tiền là điều mới.

Fed có định xì bong bóng tiền xẹp dần không? Khó dự báo vì tác dụng tích cực là rõ, tiêu cực thì còn đang cãi nhau. Dự là có vì Fed cũng sẽ rối với thanh khoản, không cẩn thận bóng nổ như bom. Chắc sẽ chậm và thu hẹp thôi chứ không biến mất. Các cuộc diễn tập GFC 2008 và Covid 2019 đem lại cho Fed tự tin vào công cụ tiền tệ quá nhanh, sắc và mạnh ấy. Khó mà bỏ.

Các NHTW bắt đầu rục rịch bóp xì bớt sợ nổ: BoE đang giảm khá nhanh. ECB thụ động vẫn chờ Fed.

Nó là lý do trong bài “Kỷ nguyên tiền tệ dễ dãi…” [1] năm 2019-2020 tôi dự khoảng cách giàu nghèo giữa người với người, giữa nền kinh tế với nền kinh tế trong thời đại tiền tệ dễ dãi sẽ ngày càng dãn ra mà không hề thu hẹp trên toàn cầu.

Cùng với phân tích số M2 và vòng quay đồng vốn [1], Repo Crisis 2019 [2] và thị trường nợ bên ngoài ngân hàng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) [4] là dấu hiệu để tôi dự báo năm 2020 trong vòng 3-7 năm sau sẽ có một cuộc khủng hoảng tài chính kích hoạt bởi cú nổ lạm phát. Covid kích hoạt khủng hoảng nhanh: chỉ sau gần 3 năm.

Cũng là lý do để ở [5] tôi dự báo Fed xử lý lạm phát lần này sẽ chậm và lâu hơn trước đây do phải áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt nửa vời “thắt lưng nới bụng”, chương trình chống lạm phát sẽ kéo dài. Bởi Fed sợ vỡ bong bóng tiền nổ như bom còn nguy hơn nữa… làm sụm chính Bảng TKTS của Fed. Kiếm sắc dễ đứt tay là thế. Còn phải luyện chưởng thêm.

Hệ quả là dự báo chính sách lãi suất cao của Fed còn kéo lâu. Nếu kéo dăm ba năm sẽ khiến một số nền kinh tế hụt hơi khó thở, nguy cơ suy thoái tụt hậu nếu không được nối với máy thở của Fed. Trừ phi thở bằng máy khác.

Lợi hại của bóng tiền là lý do tôi nhận định ở [6] rằng ông D.Trump phát động chiến tranh thương mại mà không kèm vũ khí tiền tệ sẽ không hiệu quả! Hãy nhìn Mỹ và phương Tây dùng vũ khí tiền tệ thương mại kèm vũ khí thông thường tẩn Nga thế nào.

f. Trò chơi ALM tiền tệ đầy cân não có thể kiến tạo cũng như tàn phá như năng lượng hạt nhân [3]. Một cú nổ có thể bằng vài chục năm phát triển.

Các bộ não quái kiệt với tư duy quyền biến quái dị của đội quái vật tài chính Fed đang chơi ALM.

Bom tiền tệ sẵn sàng. Bom TNT đang nổ khắp nơi.

————

LỜI KẾT

1. Những nhận định, quan điểm, đúc kết trong bài viết này 100% là niềm tin, đánh giá tuyệt đối của cá nhân. Phương pháp là suy luận chủ quan và thuyết âm mưu. May ra dùng được cho sáng tác tiểu thuyết giả tưởng, kiểu dự báo dăm mười năm tới phục vụ chém gió, mua vui và giải trí. Không có giá trị sử dụng.

2. Mô tả cơ chế vận hành của Fed và đồng USD, số liệu… được lấy từ nguồn Fed công khai trên mạng. Là những thông tin phổ thông được lược giản để các bạn tài chính không sâu hình dung và dễ nắm bắt. Muốn hiểu đúng từng khái niệm nên vào trực tiếp trang web của Fed đọc sẽ được giải thích đầy đủ, rõ ràng.

3. Thu thập thông tin, xử lý, đánh giá, dự báo tôi bắt đầu note lại từ 2018 và cập nhật định kỳ. Mục đích theo dõi cá nhân, có chia sẻ nhóm hẹp.

Nhân có mấy bạn hỏi làm tôi chợt nhớ lại một vị tôm hùm nghiêm trọng giải thích cho tôi sự quan trọng của an ninh tiền tệ ở địa phương và khẳng định rằng cấu trúc của nhà nước ta có 4 nhánh: gồm Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp và Chuyên chính (?).

Chợt nghĩ Mỹ như cũng có 4 nhánh quyền lực vậy: Lập Pháp, Tư Pháp, Hành Pháp và Fed! Họ học ta!!!

Thêm nhóm cá độ chiến tranh thương mại Trung-Mỹ gặp nhắc.

Nên sửa lại note cho tròn câu chữ chia sẻ với các doanh nhân đọc chơi giải trí ngày Doanh nhân 13/10.

Chúc các Doanh nhân và Doanh nghiệp khoẻ mạnh, thành đạt.

Chúc Doanh nhân biết Tham khi Sợ biết Sợ khi Tham.

Chúc Doanh nghiệp biết An khi Động biết Động khi An.

https://www.instagram.com/thuoc115/

Enjoy this post?

Buy Shop thuốc tình yêu nhà thuốc 115 a coffee

More from Shop thuốc tình yêu nhà thuốc 115